Vàng miếng và vàng nhẫn tiếp đà giảm sau động thái của Ngân hàng Nhà nước

Giá vàng trong nước hôm nay (9/5) tiếp đà giảm mạnh theo xu hướng của thế giới, đặc biệt sau thông tin thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ sớm sửa Nghị định 24/2012 về quản lý thị trường vàng theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Mở cửa phiên giao dịch ngày 9/5, giá vàng miếng các thương hiệu điều chỉnh giảm tới 1 triệu đồng/lượng ở cả 2 chiều. Theo đó, VBĐQ Sài Gòn niêm yết 117,5 - 119,5 triệu đồng/lượng, giảm 1 triệu đồng cả 2 chiều; PNJ, DOJI niêm yết 118-120 triệu đồng/lượng, giảm 500 nghìn đồng cả chiều mua và bán; Phú Quý niêm yết 117 - 120 triệu đồng/lượng, giảm 500 nghìn đồng cả 2 chiều; còn Bảo Tín Minh Châu đang giữ nguyên mức 118,3 – 120,5 triệu đồng/lượng.

Cùng thời điểm, giá vàng nhẫn cũng có xu hướng giảm ngay từ đầu phiên, giao dịch quanh 117 triệu đồng/lượng, riêng Bảo Tín Minh Châu “nhỉnh” hơn hẳn với mức 119,5 triệu đồng/lượng chiều bán ra.

-1568-1746755839.jpg

Giá vàng trong nước tiếp đà giảm.

Giá vàng trong nước có xu hướng giảm trong vài phiên gần đây theo xu hướng của thế giới, đặc biệt sau thông tin thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ sớm sửa Nghị định 24/2012 về quản lý thị trường vàng theo trình tự, thủ tục rút gọn. Cơ quan này cũng sẽ phối hợp với các bộ ngành liên quan (Bộ Công an, Công Thương, Tài chính) để tăng thanh, kiểm tra hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh vàng, cửa hàng, đại lý phân phối và mua bán vàng miếng.

Trước đó, giá vàng trong nước đã ghi nhận làn sóng tăng mạnh mẽ. Từ đầu năm đến nay, giá vàng miếng SJC đã tăng từ 85 triệu đồng/lượng lên 122,7 triệu đồng/lượng, tăng gần 38 triệu đồng mỗi lượng trong hơn 5 tháng trở lại đây. Làn sóng mua vàng trên thị trường vẫn tăng mạnh trong khi nguồn cung gần như không đổi. Trong chưa đầy 1 tháng, khoảng cách giữa giá vàng miếng SJC và giá vàng thế giới bật tăng từ chưa đầy 1 triệu đồng lên hơn 16 triệu đồng/lượng.

Đề cập tình hình thị trường vàng trong nước, trong báo cáo trình Quốc hội mới đây, Ngân hàng Nhà nước nêu các nguyên nhân chính khiến giá vàng miếng SJC tăng nhanh và tăng cao hơn nhiều so với thế giới. Thứ nhất, tâm lý kỳ vọng giá vàng thế giới sẽ tiếp tục tăng, do tác động của hàng loạt yếu tố như bất ổn địa chính trị, chiến tranh thương mại, chính sách tiền tệ của Mỹ và các cú sốc giá hàng hóa trên thị trường quốc tế.

Nguyên nhân thứ hai là do nguồn cung vàng miếng trên thị trường chưa tăng thêm từ đầu năm đến nay. Khi lực cầu tăng mạnh nhưng nguồn cung không đổi, giá vàng trong nước dễ bị tạo sóng đầu cơ. Ngoài ra, không loại trừ việc có một số doanh nghiệp, cá nhân lợi dụng biến động thị trường để đầu cơ, thổi giá, trục lợi.

Trên thế giới, giá vàng quốc tế (XAU) hôm nay là 3.314,05 USD/ounce (cập nhật lúc 08:13:46 ngày 09/05/2025), giảm 2,12% trong 24 giờ qua, tương ứng với giảm 71,83 USD/ounce.

Giá vàng thế giới tiếp đà lao dốc khi đồng USD vẫn tăng giá mạnh, khiến vàng trở nên đắt đỏ hơn đối với nhà đầu tư nắm giữ các loại tiền tệ khác, làm giảm nhu cầu mua vào.

Mặt khác, việc Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố thỏa thuận thương mại song phương vừa đạt được với Anh làm dấy lên hy vọng về các thỏa thuận tương tự với các quốc gia khác. Trong đó, các cuộc đàm phán thương mại sắp tới giữa Mỹ và Trung Quốc lại được kỳ vọng sẽ làm dịu bớt căng thẳng địa chính trị, tiếp tục giảm sức hút của giá vàng.

Thông tin tích cực này đã đẩy chỉ số chứng khoán Mỹ tăng mạnh trong phiên giao dịch đêm qua, khiến các tài sản trú ẩn như vàng trở nên kém hấp dẫn.

Chiến lược gia thị trường cấp cao Bob Haberkorn của RJO Futures cho rằng vàng sẽ tiếp tục chịu áp lực và có khả năng giảm xuống mức 3.200 USD/ounce nếu Mỹ và Trung Quốc đạt được một thỏa thuận thương mại.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent và đại diện thương mại Mỹ Jamieson Greer dự kiến sẽ gặp quan chức kinh tế hàng đầu của Trung Quốc vào thứ Bảy tại Thụy Sĩ.

Châu Giang

Lượt xem: 3
Tác giả: Châu Giang