Đầu năm, lãi suất tiết kiệm tăng sát trần
Ngay trong tuần đầu tiên của năm mới 2025, đã có thêm một số ngân hàng điều chỉnh lãi suất huy động, trong đó nhiều nhà băng tiếp tục tăng ở những kỳ hạn ngắn, áp sát mức trần, nhưng giảm nhẹ ở kỳ hạn huy động dài.
Hiện trên thị trường, với các ngân hàng cùng một phân khúc, lãi suất tiền gửi hiện tương đối đồng đều. Nhưng lại có sự phân hóa đáng kể với mức chênh lệch từ 1% - 3% giữa nhóm ngân hàng thương mại cổ phần top đầu với các ngân hàng quy mô nhỏ, tại cùng một kỳ hạn. Trong đó, lãi suất huy động cao nhất đang rơi vào kỳ hạn 12 và 18 tháng, ở mức 6 và trên 6%/năm.
Nhìn vào diễn biến lãi suất trong tuần đầu tiên của năm 2025 có thể thấy sự biến đổi mạnh mẽ đối với lãi suất tiền gửi có kỳ hạn dưới 6 tháng.
Không giống như lãi suất tiền gửi từ 6 tháng trở lên được áp dụng theo cung - cầu của thị trường, theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, lãi suất trần áp dụng cho tiền gửi có kỳ hạn dưới 6 tháng là 4,75%/năm.
Biểu đồ lãi suất huy động kỳ hạn 5 tháng tại các ngân hàng.
Một số nhà băng đã đẩy lãi suất tiết kiệm tại các kỳ hạn này lên sát với mức lãi suất trần. Trong đó, MBV nắm giữ ngôi vị ngân hàng trả lãi suất cao nhất, lên đến 4,7%/năm cho tiền gửi kỳ hạn 5 tháng. Cụ thể, MBV tăng lãi suất huy động kỳ hạn 1-2 tháng từ 4,1%/năm lên 4,3-4,4%/năm; lãi suất kỳ hạn 3 tháng từ 4,4%/năm lên 4,6%/năm. Đáng chú ý, lãi suất ngân hàng kỳ hạn 4-5 tháng tăng mạnh từ 4,4%/năm lên 4,7%/năm.
NCB mới đây cũng đồng loạt tăng thêm 0,1-0,2%/năm lãi suất tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng. Hiện lãi suất huy động trực tuyến kỳ hạn 1-2 tháng tại NCB lần lượt 4,1% và 4,2%/năm; kỳ hạn 3 - 4 - 5 tháng lần lượt có lãi suất là 4,3% - 4,4% - 4,5%/năm.
Bac A Bank mới đây cũng đã tăng thêm 0,2%/năm đối với lãi suất tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng. Theo biểu lãi suất huy động dành cho khách hàng cá nhân gửi đến 1 tỷ đồng, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1-2 tháng là 3,9%/năm; kỳ hạn 3 - 4 - 5 tháng có lãi suất lần lượt 4,4% - 4,5% - 4,6%/năm.
Indovina Bank (IBV) cũng trả lãi suất cho người gửi tiền lên đến 4%/năm với kỳ hạn 1 tháng, 4,1%/năm kỳ hạn 2 tháng và 4,35%/năm kỳ hạn 3 tháng.
Đáng chú ý, những ngày đầu năm một ngân hàng TMCP Nhà nước vào cuộc đua tăng lãi suất. Agribank là ngân hàng đầu tiên trong nhóm Big 4 (4 ngân hàng có vốn Nhà nước) điều chỉnh lãi suất. Cụ thể, ngân hàng này tăng lãi suất tiền gửi các kỳ hạn từ 3-9 tháng và giảm các kỳ hạn từ 12-36 tháng.
Lãi suất ngân hàng kỳ hạn từ 3-5 tháng tăng 0,1 điểm %/năm lên 3%/năm. Lãi suất ngân hàng kỳ hạn từ 6-9 tháng tăng 0,1 điểm %/năm lên 3,7%/năm.
Trong nhóm Big 4, lần gần nhất BIDV điều chỉnh lãi suất là tháng 7/2024, VietinBank là tháng 6/2024, Vietcombank là tháng 4/2024.
Ngược lại, NCB và Agribank cũng đồng thời giảm lãi suất các kỳ hạn 12-36 tháng. Cùng giảm lãi suất còn có ABBank, SeABank và Nam A Bank.
Lãi suất tiền gửi tại các ngân hàng bắt đầu nhích nhẹ từ giữa năm ngoái và đà điều chỉnh lan rộng hơn ra khắp các kỳ hạn khi nhu cầu tín dụng tăng do sức hấp thụ vốn của nền kinh tế tăng trong tháng cuối năm 2024, đầu 2025 khi Tết Nguyên đán.
Bên cạnh đó, việc tỷ giá USD - đồng neo ở mức cao từ cuối tháng 10 năm ngoái, quanh ngưỡng 25.400 đồng/USD do đồng USD mạnh lên cũng gây áp lực nhất định lên mặt bằng lãi suất.
Theo các chuyên gia phân tích, lãi suất huy động bình quân có thể tăng thêm 0,5% trong năm 2025, từ mức hiện tại quanh 5,2% lên khoảng 5,7%, nếu không có biến động quá bất thường. Đây được đánh giá là mức tăng vừa phải, chỉ ngang mặt bằng trước giai đoạn COVID-19 và trước mắt không ảnh hưởng nhiều tới lãi suất cho vay.
Biên lãi ròng của các ngân hàng có thể giảm thêm 0,1 - 0,15% trong nửa đầu năm sau khi đã giảm trung bình 0,2 - 0,25% trong cả năm 2024, giúp duy trì mặt bằng lãi suất cho vay đi ngang, làm tăng khả năng thẩm thấu vốn, hỗ trợ đà tăng trưởng kinh tế năm 2025.
Thanh Hoa