Thông tin nổi bật về văn hóa số và dự báo xu hướng văn hóa doanh nghiệp trong năm 2025
Khoảng cách giữa kế hoạch và các hành động cụ thể để áp dụng văn hóa doanh nghiệp (VHDN) vào quy trình tổ chức và chuyển hóa nhận thức thành các hành động thực tiễn vẫn còn khá xa.
Báo cáo được thực hiện dựa trên khảo sát 206 DN Việt Nam thuộc 13 ngành nghề, mang đến cái nhìn toàn cảnh về thực trạng VHDN trong năm qua.
Đặc biệt, báo cáo năm nay cung cấp những thông tin nổi bật về văn hóa số và dự báo xu hướng VHDN trong năm 2025
Hơn 46% doanh nghiệp có mức độ trưởng thành ở cấp độ 3
Theo kết quả khảo sát, trong năm 2024, đa số các doanh nghiệp tham gia khảo sát (46,12%) có mức độ trưởng thành ở cấp độ 3 - Cấp độ Thiết kế. Ở cấp độ này, DN đã định hình nền tảng cốt lõi (Tầm nhìn, Sứ mệnh, Giá trị cốt lõi) và bắt đầu xây dựng các kế hoạch hành động để biến những nguyên tắc, niềm tin, giá trị DN tin tưởng thành hiện thực.
Tuy nhiên, khoảng cách giữa kế hoạch và các hành động cụ thể để áp dụng văn hóa doanh nghiệp vào quy trình tổ chức và chuyển hóa nhận thức thành các hành động thực tiễn vẫn còn khá xa, cụ thể:
Hơn 50% DN chưa xây dựng bộ chuẩn hành vi cụ thể gắn với giá trị cốt lõi để hướng dẫn cụ thể cho người lao động.
Trong số 46,11% doanh nghiệp đã xây dựng chuẩn hành vi, chỉ có 11,16% doanh nghiệp thực hành các chuẩn hành vi trong thực tế công việc hàng ngày.
Bên cạnh đó, việc lồng ghép VHDN vào các quy trình nhân sự còn nhiều hạn chế.
Kết quả cùng cho thấy có đến 67% chưa thực hiện kiểm tra sự phù hợp của ứng viên với VHDN của tổ chức (thông qua giá trị cốt lõi) trong quá trình tuyển dụng.
76,21% chỉ đánh giá nhân viên dựa trên kết quả công việc, mà chưa đánh giá mức độ thể hiện các giá trị cốt lõi.
77,67% chỉ tập trung khen thưởng qua các sự kiện phong trào, chưa chú trọng đến hành vi hàng ngày phản ánh giá trị văn hóa.
Thiếu nhân lực thực thi và thiếu phương pháp, kỹ năng triển khai hiệu quả tiếp tục là 2 khó khăn lớn nhất trong xây dựng VHDN. Tỷ lệ doanh nghiệp gặp 2 khó khăn trên tăng so với 2023, lần lượt là 9,83% và 5,66%. Riêng khó khăn do không đo lường được VHDN (top 2 khó khăn của năm 2023) được cải thiện rõ rệt trong năm nay (giảm 10,03%).
Gia tăng trải nghiệm nhân viên; Thúc đẩy tinh thần học mới, biến công ty thành một tổ chức học tập; Tạo dựng môi trường đổi mới sáng tạo sẽ là 3 mục tiêu ưu tiên của đa số các DN trong việc phát triển văn hóa năm 2025.
Những điểm sáng trong thực thi văn hóa doanh nghiệp
Điểm sáng đầu tiên năm 2024 đó là tỷ lệ các doanh nghiệp có mức độ trưởng thành văn hóa ở cấp độ 1 và 2 (2 cấp độ thấp nhất trong thang đo 6 cấp độ) giảm rõ rệt (giảm 7,03%), dịch chuyển dần sang nhóm cấp độ 3 (tăng 12,79%). Điều này cho thấy, các doanh nghiệp ngày càng quan tâm đến văn hóa tổ chức, thể hiện rõ nhất ở nhận thức của lãnh đạo về tầm quan trọng của VHDN và việc định hình nền tảng VHDN.
Ngoài ra, đầu tư cho đào tạo VHDN cũng tăng so với 2023, đặc biệt đào tạo khi có sự thay đổi về VHDN (tăng 3,31%) và đào tạo định kỳ nâng cao nhận thức và kỹ năng đối với tất cả các nhóm đối tượng (tăng 2,66%).
Kế đến là kết quả ấn tượng của nhóm ngành tài chính - ngân hàng - bảo hiểm về mức độ trưởng thành trong thực thi văn hóa doanh nghiệp. Các doanh nghiệp thuộc nhóm này tiếp tục dẫn đầu bảng xếp hạng với mức điểm trung bình 51,65 điểm, tương đương với cấp độ 4 (cấp Quản lý). Trong đó, nhận thức lãnh đạo về VHDN, mức đầu tư ngân sách và mức độ thể hiện các yếu tố văn hóa trên không gian vật lý là 3 tiêu chí thể hiện rõ nét nhất, tất cả đều ở trên mức 4 điểm.
Tăng 2,27 điểm so với năm 2023, ngành tài chính - ngân hàng - bảo hiểm tạo ra sự cách biệt lớn so với các DN khác. Cụ thể, tuy cùng cấp độ 4 nhưng nhóm ngành này cao hơn nhóm ngành du lịch - khách sạn gần 2 điểm, cao hơn nhóm ngành dịch vụ 9,06 điểm và hơn các nhóm ngành còn lại từ 10 - 15 điểm.
Ngân sách đầu tư cho văn hóa tăng cũng là một tín hiệu tích cực, chứng tỏ lãnh đạo doanh nghiệp ngày càng nhận thức rõ vai trò quan trọng của văn hóa đối với sự phát triển của tổ chức. 26,21% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết họ có đủ, thậm chí dồi dào về ngân sách để triển khai các hoạt động VHDN với nhiều hình thức đa dạng (tăng 5,18% so với 2023). Khả quan hơn, có đến 44,94% doanh nghiệp cho biết dự kiến ngân sách cho VHDN sẽ còn tăng lên trong năm 2025.
Mức độ thể hiện của các đặc trưng văn hóa số
Trong bối cảnh chuyển đổi số trở thành yêu cầu cấp thiết để các DN Việt duy trì lợi thế cạnh tranh, văn hóa số cũng nhận được sự quan tâm nhiều hơn. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại của năm 2024, mức độ thể hiện các đặc trưng của văn hóa số mới ở mức trung bình đến trung bình khá. Cho thấy, đa số DN vẫn gặp khó khăn trong việc tạo ra một môi trường hỗ trợ và thúc đẩy chuyển đổi số mạnh mẽ trong tổ chức.
Điểm số đánh giá 5 đặc trưng văn hóa số gồm: Khách hàng là trung tâm, Định hướng dữ liệu, Đổi mới, Hợp tác, Phát triển bền vững dao động từ 3.21 - 3.70 điểm, trên thang điểm tối đa bằng 5.
Đặc biệt, trong số 10 hành vi biểu hiện của văn hóa số, 3 hành vi có mức độ thể hiện thấp nhất đều liên quan trực tiếp đến hai đặc trưng này, cụ thể:
Hợp tác giữa các phòng ban khó khăn, có thể dẫn đến tình trạng làm việc rời rạc và thiếu sự liên kết, cản trở sự linh hoạt và khả năng thích nghi của tổ chức trong môi trường kinh doanh số hóa.
Thiếu hợp tác với các đối tác bên ngoài để giải quyết vấn đề cũng là một rào cản lớn, khiến DN chưa tận dụng được tối đa nguồn lực từ bên ngoài để hỗ trợ tối đa cho chuyển đổi số của doanh nghiệp.
Ngoài ra, chưa ưu tiên sử dụng sản phẩm và dịch vụ của các đối tác chú trọng phát triển bền vững cũng hạn chế việc tăng uy tín và giá trị dài hạn của doanh nghiệp.
Xét theo từng nhóm ngành, các doanh nghiệp thuộc 3 nhóm tài chính - ngân hàng - bảo hiểm, dịch vụ, du lịch - khách sạn là 3 nhóm ngành có mức độ thể hiện các đặc trưng Văn hóa số cao nhất, rõ nét nhất ở nét đặc trưng “Khách hàng là trung tâm” và “Định hướng dựa trên dữ liệu”.
5 xu hướng văn hóa doanh nghiệp 2025
Dựa trên các kết quả nghiên cứu, khảo sát trên 206 DN được thực hiện vào tháng 11/2024; gần 100 cuộc trò chuyện, phỏng vấn với các nhà lãnh đạo, quản lý văn hóa cùng đội ngũ chuyên trách về VHDN tại các tập đoàn, tổng công ty, công ty tại Việt Nam (thông qua các dự án tư vấn mà Blue C đã thực hiện trong suốt năm 2024); kết hợp nghiên cứu các tài liệu và phân tích bối cảnh của Việt Nam, Blue C đã đưa ra và phân tích 5 xu hướng VHDN nổi bật trong 2025.
Thứ nhất, hỗ trợ người lao động thích nghi với sự thay đổi trong thời kỳ chuyển đổi
Sự thay đổi nhanh chóng đang đặt ra thách thức lớn cho người lao động. Khảo sát của PwC (6/2024) tại châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam cho thấy 68% nhân viên trải qua nhiều biến động trong công việc, 48% phải học công nghệ mới và đối mặt với khối lượng công việc tăng. Trong bối cảnh này, hỗ trợ người lao động thích nghi với sự thay đổi sẽ là ưu tiên hàng đầu của DN Việt Nam vào năm 2025, góp phần duy trì hiệu suất và tính bền vững.
Thứ hai, văn hóa trở thành yếu tố quan trọng thúc đẩy chuyển đổi số và ngày càng được quan tâm
Văn hóa số - một trong sáu trụ cột chuyển đổi số DN đang ngày càng được các DN Việt chú trọng. Khảo sát của Blue C cho thấy cứ 3 doanh nghiệp sẽ có hơn 1 DN đặt văn hóa số là mục tiêu ưu tiên trong năm 2025. Các đặc trưng nổi bật gồm: Khách hàng là trung tâm, Định hướng dữ liệu, Đổi mới, Hợp tác và Phát triển bền vững sẽ sớm trở thành những từ khóa quan trọng trong xây dựng VHDN năm 2025.
Thứ ba, tăng cường đào tạo sử dụng AI trong công việc
Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) tiếp tục là xu hướng chủ đạo trong năm 2025, đặt ra thách thức lớn về kỹ năng và khả năng thích ứng của người lao động. Dù các lãnh đạo đã đầu tư mạnh mẽ vào AI, khảo sát của Gallup cho thấy gần 70% nhân viên vẫn không sử dụng AI, và số người cảm thấy thoải mái với công nghệ này đã giảm 6% từ 2023 đến 2024. Điều này cho thấy việc áp dụng AI chưa được định hướng rõ ràng và thiếu hỗ trợ từ DN. Để tối ưu hóa AI, DN cần kế hoạch đào tạo cụ thể và giải quyết việc làm cho nhân sự dôi dư do tự động hóa.
Thứ tư, tái thiết văn hóa, duy trì động lực làm việc trong và sau tinh gọn bộ máy
Chính sách tinh giản biên chế của Chính phủ sẽ tạo ra lượng lớn nhân sự dôi dư cho thị trường lao động trong năm 2025. Đây vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội cho các DN tư nhân thu hút nhân sự trình độ cao, nhưng cần chú trọng hòa nhập văn hóa cho nhân sự mới. Các tổ chức công, sau tinh giản, cần tái thiết văn hóa, củng cố niềm tin nội bộ, khuyến khích đồng lòng và đầu tư đào tạo nhân sự để duy trì hiệu quả.
Thứ năm, tập trung vào sự quan tâm tại nơi làm việc
Trong môi trường làm việc đầy biến động như hiện nay, mức độ quan tâm của tổ chức đối với nhân viên trở thành yếu tố then chốt để giữ chân nhân viên. Thách thức năm 2025 là thu hẹp khoảng cách giữa phúc lợi mà DN cung cấp và nhu cầu thực tế của nhân viên. Đặt sự quan tâm làm trọng tâm chiến lược văn hóa giúp tăng khả năng phát triển của nhân viên lên 378% và giảm 80% khi thiếu quan tâm (theo O.C. Tanner). Nhân viên được hỗ trợ tốt ít kiệt sức hơn, gắn kết cao hơn 12 lần, và làm việc xuất sắc cao hơn 7 lần, mang lại lợi ích lớn cho DN.