Anh chính thức gia nhập CPTPP: Doanh nghiệp Việt trước cơ hội khai phóng tăng trưởng
Việc Vương quốc Anh chính thức gia nhập CPTPP là bàn đạp cho các doanh nghiệp Việt tiến sâu hơn vào thị trường tiềm năng của nền kinh tế lớn thứ 6 thế giới.
Ngày 15/12 vừa qua, Vương quốc Anh đã chính thức gia nhập Hiệp định Ðối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Với sự gia nhập của Anh, số lượng thành viên của CPTPP đạt đến con số 12, bao gồm các thành viên đã tham gia trước đó là Úc, Brunei, Canada, Chile, Nhật, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam. Sau khi Anh gia nhập, CPTPP sẽ đóng góp khoảng 15% GDP toàn cầu.
Nhân dịp này, các chuyên gia từ Ngân hàng HSBC bình luận, việc Anh gia nhập vào một trong những hiệp định tự do thương mại lớn nhất thế giới sẽ có thể khai phóng tăng trưởng dọc hành lang Châu Á – Thái Bình Dương, bao gồm cả Việt Nam.
Thêm cơ hội cho doanh nghiệp Việt
Cụ thể, các quốc gia thành viên đến từ châu Á sẽ tăng cường khả năng tiếp cận vào Anh - nền kinh tế lớn thứ sáu thế giới, cũng như các thị trường tài chính chuyên sâu của nước này.
Xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam sang Vương quốc Anh, giai đoạn 2013 - 2023. |
Hiện tại, Anh là thị trường xuất khẩu quan trọng của các nước châu Á với nhiều loại sản phẩm như trái cây, hải sản, gạo, cao su, kim loại,… Tại Việt Nam, năm 2023, trong khi xuất khẩu sang các thị trường khác đều sụt giảm thì xuất khẩu sang Anh lại tăng 11%. Năm 2024, theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, 11 tháng qua xuất khẩu của Việt Nam sang Anh tiếp tục tăng 19,5% so với năm ngoái.
“Việt Nam là quốc gia được hưởng lợi từ việc thực thi hiệp định CPTPP. Các doanh nghiệp Việt Nam hiện có nhiều cơ hội hơn để tiếp cận các thị trường chất lượng cao như Nhật Bản, Canada, Úc và giờ là Anh”. Các chuyên gia của HSBC nhận định, bước vào năm 2025, với sự gia nhập của Anh vào CPTPP, Hiệp định tự do thương mại Việt Nam – Anh đang có hiệu lực, cộng thêm tất cả các yếu tố cơ bản vững chắc đang có, kinh tế Việt Nam tiếp tục nổi bật trong khu vực, mang đến nhiều cơ hội thương mại ưu đãi hơn cho các đối tác trên toàn cầu.
Trước đó, nhân sự kiện Anh chính thức gia nhập CPTPP, ông Iain Frew, Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam trả lời báo chí Việt Nam cho biết nước này sẵn sàng hỗ trợ tham vọng của Việt Nam về tăng trưởng bền vững và đổi mới sáng tạo, đồng thời thúc đẩy thương mại toàn diện mang lại lợi ích cho tất cả mọi người.
“Chúng tôi coi Việt Nam là cửa ngõ vào khu vực Đông Nam Á và là đồng minh quan trọng trong việc giải quyết các thách thức toàn cầu chung như biến đổi khí hậu và nâng cao khả năng chống chịu kinh tế", ông Iain Frew khẳng định.
Theo thông tin từ Bộ Công Thương, trong quá trình đàm phán giữa Vương quốc Anh và Việt Nam về việc gia nhập hiệp định, nước này đã cam kết mở cửa thị trường ở mức cao theo tiêu chuẩn của hiệp định, cao hơn cho Việt Nam so với cam kết với các nước thành viên khác và cũng như cao hơn cam kết trong FTA song phương giữa Việt Nam và Anh.
Cụ thể, Anh cam kết xóa bỏ 94,4% số dòng thuế cho Việt Nam ngay khi hiệp định có hiệu lực (trong khi các nước thành viên khác là 93,9%). Với gạo, Anh cam kết dành riêng cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan tăng dần từ 3.300 tấn/năm trong năm đầu tiên lên 17.500 tấn/năm kể từ năm thứ 8 (tức là năm 2030) trở đi, với mức thuế suất trong hạn ngạch là 0% - cao gần gấp đôi hạn ngạch gạo mà Anh cam kết chung cho các nước thuộc CPTPP khác.
Với mặt hàng thủy sản, hiện thuế nhập ưu đãi của các sản phẩm thủy sản chủ lực của Việt Nam vào Anh hầu hết về 0%. Tuy nhiên, còn một vài mã sản phẩm như tôm chế biến HS 160521 và 160529 vẫn đang bị mức thuế 7%. Hai dòng sản phẩm này của Việt Nam đều đang chiếm vị trí số 1 tại Anh, chi phối 36% thị phần, nhưng dư địa sẽ lớn hơn khi tôm Việt Nam được hưởng ưu đãi thuế quan từ việc Anh gia nhập CPTPP.
Anh cũng cam kết xóa bỏ hoàn toàn hạn ngạch và thuế nhập khẩu cá ngừ ngay khi Hiệp định có hiệu lực hoặc sau 7 năm với một số ít dòng thuế.
Đáng chú ý, Anh đã ký thư gửi Việt Nam xác nhận các ngành đang hoạt động tại Việt Nam được coi là hoạt động trong điều kiện của nền kinh tế thị trường... Điều này, tạo thuận lợi cho nước ta trong các cuộc điều tra phòng vệ thương mại, đặc biệt là điều tra chống bán phá giá. Với kết quả này, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sẽ không bị phân biệt đối xử, được áp dụng mức thuế chống bán phá giá hợp lý hơn.
Tận dụng ra sao?
So với các hiệp định thương mại tự do (FTA) khác, CPTPP khá đặc thù bởi nhiều thành viên đã có FTA song phương/đa phương trước đó với Việt Nam và các doanh nghiệp cũng đang tận dụng ưu đãi của những FTA cũ với các thị trường này. Tuy nhiên, việc thực thi CPTPP giúp các doanh nghiệp có thêm kênh ưu đãi, lợi thế để khai thác, nhất là trong bối cảnh một số nước thành viên CPTPP vốn là nguồn cung truyền thống cho đầu vào của nhiều ngành sản xuất tại Việt Nam và nắm giữ những chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu như: Nhật Bản, Singapore, Australia…
Trong 9 tháng đầu năm 2024 đã ghi nhận những kết quả tích cực trong tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với các nước CPTPP với khoảng hơn 76 tỉ USD, tăng gần 10% so với cùng kỳ năm ngoái, thặng dư thương mại khoảng 6,6 tỷ USD. Ngoài gia tăng trao đổi hàng hóa, dịch vụ, hiệp định này đã thu hút doanh nghiệp FDI đầu tư trực tiếp tại Việt Nam, mở ra cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam trở thành mắt xích trong chuỗi sản xuất toàn cầu.
Dư địa và cơ hội để doanh nghiệp tận dụng tại các thị trường này còn rất lớn, tuy nhiên cũng cần nhìn nhận thực tế, sau 5 năm thực thi, mức độ tận dụng CPTPP của các doanh nghiệp Việt Nam còn tương đối hạn chế.
Theo các chuyên gia, phần lớn doanh nghiệp Việt Nam thường xuất thô, rất ít chế biến sâu. Doanh nghiệp cũng chưa chú trọng vào những vấn đề xây dựng thương hiệu hay bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở các thị trường nước ngoài.
Tại một tọa đàm chủ đề tăng hiệu quả tận dụng CPTPP diễn ra đầu tháng 12, bà Nguyễn Thị Lan Phương, Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương cho biết, các vấn đề trong năng lực nội tại, kinh nghiệm, nguồn vốn và năng lực khoa học công nghệ đã hạn chế khả năng của doanh nghiệp Việt Nam trong việc tận dụng những hiệp định thương mại tự do. Tới đây Bộ Công Thương sẽ tập trung giải pháp xây dựng hệ sinh thái hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng FTA, trong đó bao gồm CPTPP. Dự kiến tháng 9/2025, hệ sinh thái có thể đi vào cuộc sống.
“Chúng tôi mong muốn những doanh nghiệp tham gia là những doanh nghiệp hướng tới sự phát triển bền vững, hướng tới thương hiệu và cạnh tranh bình đẳng. Những vướng mắc trong khai thác cơ hội từ các FTA sẽ phần nào được giải quyết. Hệ sinh thái được ban hành sẽ huy động nguồn lực từ các bộ, ngành, hiệp hội, tạo sự tập trung nguồn lực khai thác FTA hiệu quả hơn”, đại diện Vụ Chính sách thương mại đa biên cho biết.
Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, bản thân doanh nghiệp phải có rất nhiều sự thay đổi, nâng cao năng lực và đáp ứng tốt hơn tiêu chuẩn của các tập đoàn toàn cầu để gia nhập vào hệ thống và chuỗi cung ứng của họ, hấp thụ được những cơ hội trong các FTA. Đặc biệt, Vương quốc Anh là một trong những thị trường khó tính nhất trên thế giới, với tiêu chuẩn hàng hóa lưu hành nội địa gắt gao.
Đỗ Kiều