Sử dụng và phân tích dữ liệu hiệu quả trong cung cấp dịch vụ tài chính

Để cung cấp dịch vụ tài chính hiệu quả, tối ưu hóa trải nghiệm khách hàng và đảm bảo tính minh bạch trong các giao dịch, cần phải tận dụng nguồn dữ liệu đã có sẵn, luôn cập nhật nhiều nguồn dữ liệu mới để có kho dữ liệu toàn diện; đảm bảo tính chính xác, đúng đắn của dữ liệu và có những phân tích chuyên sâu về thị trường.

quang-canh-buoi-toa-dam-201124.jpg

Quang cảnh tọa đàm "Sản phẩm dữ liệu và phân tích dữ liệu cho Tổ chức Tài chính". Ảnh: Đức Tuấn.

Đó là nhận định của các chuyên gia tại tọa đàm "Sản phẩm dữ liệu và phân tích dữ liệu cho tổ chức tài chính" do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phối hợp với Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) và Công ty Cổ phần FiinGroup Việt Nam (FiinGroup) tổ chức vào chiều ngày 20/11.

Lợi thế nhằm tối ưu hóa nguồn lực cho doanh nghiệp

Trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ, việc phát triển các sản phẩm tài chính số là một xu hướng tất yếu. Nhu cầu ngày càng tăng về các sản phẩm tài chính số đã thúc đẩy các tổ chức tài chính tăng cường khai thác dữ liệu, nâng cao năng lực phân tích để cải tiến quy trình ra quyết định và tối ưu hóa hiệu quả kinh doanh.

Các tổ chức tài chính đang tận dụng nguồn dữ liệu lớn (big data) và trí tuệ nhân tạo (AI) để cung cấp dịch vụ tài chính hiệu quả, tối ưu hóa trải nghiệm khách hàng và đảm bảo tính minh bạch trong các giao dịch. Đồng thời, các quy định mới về bảo vệ dữ liệu và phát triển tài chính số cũng đặt ra những yêu cầu mới cần tuân thủ.

Sử dụng dữ liệu và phân tích dữ liệu là lợi thế nhằm tối ưu hóa nguồn lực cho doanh nghiệp. Từ phân tích dữ liệu để tối ưu chuỗi cung ứng dữ liệu thông qua việc xử lý và giải nghĩa thông tin được tạo ra ở các khâu khác nhau trong chuỗi cung ứng, với mục tiêu tìm kiếm sự thật và thông tin chính xác. Qua đó, giúp cho tổ chức tài chính có thêm giải pháp mới và góc nhìn mới.

ong-tu-201124.jpg

Ông Nguyễn Minh Tú - Giám đốc điều hành khối dịch vụ thông tin doanh nghiệp FiinGroup. Ảnh: Đức Tuấn.

Phát biểu tại tọa đàm, ông Nguyễn Minh Tú - Giám đốc điều hành khối dịch vụ thông tin doanh nghiệp FiinGroup khẳng định, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ cùng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, việc sử dụng và phân tích dữ liệu không chỉ là lợi thế mà còn là yếu tố thiết yếu trong phát triển bền vững của các tổ chức.

Phân tích cụ thể hơn về phân tích dữ liệu dành cho tổ chức tài chính, ông Jinchang Lai - Chuyên gia trưởng, Trưởng nhóm cơ sở Hạ tầng Tài chính, Bộ phận Tư vấn các Định chế Tài chính, Khu vực châu Á - Thái Bình Dương, IFC cho hay, việc sử dụng và phân tích dữ liệu sẽ giúp các các tổ chức tài chính nâng cao hiệu suất, tối ưu hóa thời gian và chi phí để nâng cao trải nghiệm cho khách hàng.

Cùng với đó, khi đưa ra các quyết định về tín dụng, việc kết hợp sử dụng dữ liệu hiện hữu của tổ chức tài chính kết hợp với các dữ liệu bên ngoài các tổ chức tài chính sẽ giúp cho việc so sánh, phân tích dữ liệu để tìm ra được thông tin chính xác hơn.

Ông Jinchang Lai cũng cho biết, rất nhiều quốc gia đã đưa ra những quy định và hướng dẫn về cung cấp dịch vụ dữ liệu và phân tích (dịch vụ D&A). Tuy vậy, đến nay Việt Nam vẫn là nước đi sau so với các nước khác tại Đông Nam Á. Các dịch vụ tài chính số của Việt Nam mới chỉ đạt khoảng 60% và chưa có doanh nghiệp riêng về dữ liệu.

ong-jichang-lai-201124.jpg

Ông Jinchang Lai - Chuyên gia trưởng, Trưởng nhóm cơ sở Hạ tầng Tài chính, Bộ phận Tư vấn các Định chế Tài chính, Khu vực châu Á - Thái Bình Dương, IFC. Ảnh: Đức Tuấn.

Về vấn đề này, là đầu mối thực hiện hoạt động thông tin tín dụng tại Việt Nam, bà Nguyễn Thu Trang – Trưởng phòng Kinh tế Phát triển của Trung tâm Thông tin Tín dụng quốc gia Việt Nam (CIC) - thừa nhận Việt Nam không chỉ chậm trong cung cấp dịch vụ D&A mà còn chậm trong nhiều vấn đề khác như pháp lý, công nghệ.... Tuy nhiên, trong 5 năm qua, NHNN và CIC cũng đã cố gắng xây dựng kho dữ liệu toàn diện và phân tích dữ liệu hiệu quả nhất để phục vụ các tổ chức tín dụng (TCTD) và các cơ quan liên quan.

Cụ thể, về cơ sở dữ liệu, CIC đang thu thập từ 100% các TCTD hoạt động tại Việt Nam, trong đó có 125 đầu mối TCTD. Ngoài ra, CIC cũng đang thu thập thông tin từ gần 1.200 quỹ tín dụng Nhân dân trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Ngoài ngành, CIC thu thập từ hơn 60 các tổ chức tự nguyện tham gia hệ thống thông tin tín dụng, gồm công ty bán lẻ; quỹ đầu tư phát triển các tỉnh, thành phố; các công ty bán hàng trả góp và trả chậm.

Dựa trên nền tảng cơ sở dữ liệu đó, CIC đã tạo lập các hệ thống sản phẩm dịch vụ để phục vụ cho cơ quan quản lý nhà nước, cụ thể là Ban lãnh đạo NHNN trong việc hoạch định các chính sách liên quan đến thực thi tín dụng như các chính sách giám sát, chính sách tài chính tiền tệ khác.

"Chức năng lớn nữa của CIC là cung cấp thông tin tín dụng để cho hệ thống ngân hàng phục vụ đánh giá khách hàng, quản trị rủi ro hay tiếp cận khách hàng mới. Danh mục sản phẩm thông tin tín dụng của CIC cũng tương tự các cơ quan thông tin tín dụng khác trên thế giới bao gồm đầy đủ các sản phẩm về báo cáo tín dụng, báo cáo chấm điểm cá nhân, xếp hạng tín dụng doanh nghiệp và các dịch vụ cảnh báo tín dụng", bà Nguyễn Thu Trang nói.

Đến nay, CIC đã và đang phát triển hệ thống kết nối trực tiếp giữa CIC với các TCTD qua các API; phát triển sản phẩm báo cáo thông tin tín dụng nhằm hỗ trợ các TCTD trong việc phát triển các sản phẩm cho vay trực tuyến hoặc cho vay online nhanh chóng trong việc thẩm định khách hàng.

Ngoài ra, CIC cũng đang cung cấp các gói dữ liệu lớn, ngày càng tăng về quy mô nhằm hỗ trợ cho các đơn vị trong việc xây dựng các thẻ điểm cũng như hoạch định các chính sách liên quan đến tín dụng của các TCTD.

Riêng mảng chấm điểm và xếp hạng tín dụng CIC cũng phối hợp với một số công ty quốc tế để xây dựng, đánh giá, thẩm định mô hình một cách thường xuyên để đưa ra kết quả chấm điểm xếp hạng. Sản phẩm này được CIC tích hợp vào các báo cáo tín dụng, chỉ cần một lần nhập và hỏi thông tin là các TCTD có thể khai thác được các thông tin.

Thách thức và khuyến nghị

Về những thách thức mà các tổ chức tài chính gặp phải trong việc sử dụng dữ liệu, ông Đoàn Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cho biết, việc giữ được dữ liệu sạch, chuẩn xác rất quan trọng. NHNN đã có những yêu cầu làm sạch dữ liệu như Đề án 06 của Chính phủ.

Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin cũng nhận định, nhằm giảm tình trạng tội phạm lợi dụng dữ liệu ngân hàng, hiện các ngân hàng đã tích cực triển khai làm sạch dữ liệu, làm sạch tài khoản, hồ sơ khách hàng.

ong-doan-thanh-hai-201124.jpg

Ông Đoàn Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Ảnh: Đức Tuấn.

Nêu vấn đề về thách thức thời gian tới, ông Đoàn Thanh Hải chia sẻ, Bộ Công an đang dự thảo Luật mới về bảo vệ dữ liệu cá nhân, dự kiến có nhiều quy định để bảo vệ dữ liệu cá nhân chặt chẽ hơn. Trong đó có yêu cầu ngân hàng muốn chia sẻ dữ liệu cá nhân với bên thứ ba phải được sự đồng ý của cá nhân đó.

"Điều này rất có lợi cho người dân. Tuy nhiên, đây cũng là một thách thức đối với các ngân hàng vì trong quá trình làm việc, việc xử lý dữ liệu sẽ bị gián đoạn", Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin chia sẻ.

Nhìn nhận về thách thức này, theo ông Jinchang Lai, các nhà làm Luật cần phải quan sát và tham khảo luật của các quốc gia khác. Cùng với đó, cần phải dựa vào tình huống thực tiễn bởi nếu tất cả mọi thứ đều phải dựa vào sự đồng thuận của khách hàng thì hiệu quả trong việc sử dụng dữ liệu sẽ không cao.

Ông Jinchang Lai cũng cho rằng, dữ liệu cá nhân có rất nhiều mảng khác nhau như dữ liệu về nhân tính, dữ liệu nhạy cảm.... Do vậy, cần phân cấp trong việc bảo vệ dữ liệu, xếp hạng dữ liệu theo từng cấp độ tùy theo mức độ quan trọng của dữ liệu để có thể khai thác cho phù hợp.

"Luật bảo hộ dữ liệu cá nhân thì cũng cần có quy định, có bộ quy tắc riêng, trong đó cần ưu tiên áp dụng quy định chuyên ngành như cơ quan thông tin tín dụng. Không thể quy định chung chung là dữ liệu cá nhân thì không thể chạm vào vì như vậy, hoạt động kinh doanh sẽ không thể diễn ra được", ông Jinchang Lai nói thêm.

ong-neli-munroe-201124.jpg

Ông Neil Munroe - Giám đốc điều hành của Hiệp hội Thông tin Kinh doanh (BIIA). Ảnh: Đức Tuấn

Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế, ông Neil Munroe - Giám đốc điều hành của Hiệp hội Thông tin Kinh doanh (BIIA) cho biết, ở Anh, các nhà quản lý sẽ được diễn giải về quy định để áp dụng quy định với từng ngành khác nhau.

Với Việt Nam, ông Neil Munroe cho rằng các TCTD cần hợp tác với nhà quản lý để có được sự thấu hiểu và cùng nhau đưa ra những quy định phù hợp thực tế.

 
Lượt xem: 2
Nguồn:thitruongtaichinhtiente.vn Sao chép liên kết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật